5 công nghệ xứng đáng có mặt trong game next - gen

Leave a Comment
Khi console next - gen xuất hiện chắc chắn sẽ phải có những công nghệ xứng tầm, và dưới đây là một vài công nghệ đáp ứng được yêu cầu đó.


Khi mà ngành công nghiệp game tiếp tục phát triển, vẫn còn một thứ tồn tại để làm dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ đó là các thiết bị vào. Bộ tay cầm điều khiển (cùng với chuột và bàn phím cho PC) là những thứ gắn liền với game thủ không thể thiếu được. Chỉ một thiết bị cũng có thể điều khiển được tất cả các giác quan của con người. Ngày nay, nhờ những thiết bị quen thuộc này mà việc thưởng thức game rất thoải mái và dễ dàng. Tuy nhiên, chính điều đó cũng ngăn cản sự sáng tạo bên ngoài game khi mà phương thức giao tiếp với game trước nay không hề thay đổi.  
Vậy, trải nghiệm game vượt ra khỏi chiếc tay cầm thông thường như thế nào? Chúng ta có công nghệ motion control, vốn xuất hiện rất sớm, năm 1981 với Le Stick của Atari 2600 và Commodore 64 và trở nên phổ biến rộng rãi từ năm 2006 với Wii của Nintendo. Cho đến ngày nay công nghệ này vẫn tiếp tục được phát triển, nhưng không phải là thứ duy nhất được biết đến. Những công nghệ trong danh sách này đều có một đặc điểm chung: đem lại trải nghiệm thực tế hơn bao giờ hết, và chúng có thể xuất hiện trong game sớm hơn mọi người nghĩ.
1. Thực tế ảo (Virtual reality)
Thực tế ảo (Virtual reality)
Phim khoa học viễn tưởng của cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 có lẽ không hề tâng bốc quá đáng khi định hình nhận thức cho người xem rằng thực tế ảo là loại hình công nghệ cao gần gũi với đời sống của tương lai sau này. Có thể khả năng của thực tế ảo đã bị những bộ phim này thổi phồng, nhưng chúng cũng gây dựng được kì vọng rằng thực tế ảo sẽ vượt xa khả năng của các công nghệ mô phỏng đang có hiện nay. Tuy vậy, cuối thế kỉ XX, kính thực tế ảo không hỗ trợ độ phân giải cao, tốc độ khung hình thấp gây ra độ trễ lớn khiến cho tái hiện thực tế ảo cực kì mất phương hướng.

2. 
Thực tế tăng cường (Augmented reality)Tuy nhiên, thành công của kính chơi game Oculus Rift đã mở ra một con đường mới cho công nghệ thực tế ảo, và lần này các thiết bị phần cứng đảm bảo chất lượng tốt hơn rất nhiều so với cách đây hai thập kỉ. Từ ứng dụng chơi game cho đến việc xem phim, có rất nhiều điều có thể làm được trong khả năng của kính thực tế ảo. Và với mẫu kính Oculus Rift HD thử nghiệm hoạt động tốt, chúng ta có thể tự tin nói rằng công nghệ thật sự đã nằm trong tay. Vấn đề lớn nhất hiện nay chỉ là hoàn thiện lại chiếc kính với độ phân giải Full HD, độ trễ khi tương tác được giảm gần như bằng không, nhẹ hơn so với bản thử nghiệm và quan trọng hơn là có thể phổ biến nó đến tay của mọi người.
Thực tế tăng cường (Augmented reality)
Trong khi thực tế ảo khiến người chơi đắm chìm vào trong thế giới mô phỏng của máy vi tính, thì ngược lại công nghệ thực tế tăng cường sẽ đưa thế giới số hiện hữu trong cuộc sống thật của chúng ta. Năm 2009, thế giới đã chứng kiến nhiều sự quan tâm đối với khái niệm “thực tế tăng cường” – khả năng trộn lẫn dữ liệu hoặc vật thể ảo từ Internet với “thế giới thật” mà chúng ta nhìn thấy xung quanh mình. Động lực lớn nhất thúc đẩy công nghệ chính là sự phổ biến của điện thoại thông minh, từ iPhone cho đến những điện thoại dựa trên nền tảng Android của Google. Ngay lập tức, các công ty nỗ lực tìm đường thương mại hóa công nghệ này. Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ dậm chân ở giai đoạn bắt đầu.

Các dự án như IllumiRoom của Microsoft sử dụng máy chiếu để đưa hình ảnh trong game ra ngoài thực tế, đồng thời tạo hiệu ứng khiến cho những hình ảnh ấy sinh động như thật đã đem lại cái nhìn mới cho người chơi về công nghệ thực tế tăng cường. Cho dù thiết bị phần cứng là những yếu tố chính cản trở sự phát triển của công nghệ, thực tế tăng cường còn có thể dẫn đến những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn như binh sĩ ngoài chiến trường, thợ máy và bác sĩ phẫu thuật đều cần nhiều thông tin ở trước mắt mình hơn là những gì họ có trong tay. Scott Smith, một nhà dự báo công nghệ tại công ty Changeist, cho biết: “Số lượng ứng dụng AR gần như là vô hạn. Công nghệ AR sẽ trở nên phổ biến trong tương lai và mức độ sử dụng nó như thế nào tùy thuộc vào mỗi chúng ta”.Dù vậy, có một sự thật là sự xuất hiện của các ứng dụng sử dụng công nghệ thực tế tăng cường là điều không thể tránh khỏi. Ori Inbar, tác giả của blog Games Alfresco chuyên theo dõi lĩnh vực thực tế tăng cường, dự báo rằng ngành giải trí, trong đó có game, sẽ là thị trường lớn nhất của những ứng dụng thực tế tăng cường trong tương lai.
3. Phản hồi xúc giác (Haptic Feedback)
Phản hồi xúc giác (Haptic Feedback)
Ngày nay, tay cầm hỗ trợ rung đã trở thành một thứ quá đỗi thân thuộc, tuy thế đã từng có thời loại công nghệ phản hồi duy nhất của game chỉ có mặt trong các máy arcade mô phỏng tình huống bị… giật điện cao thế. Ngoài ra còn có một thứ khác: thiết bị ngoại vi Rumble Pak dành cho máy Nintendo 64. Kể từ khi phát hành năm 1997 cùng với game Star Fox 64, Rumble Pack đã trở thành chuẩn tích hợp cho các bộ điều khiển máy console hiện đại. Độ rung tạo cảm giác về lực đã làm rất tốt công việc cảnh báo cho người chơi khi bị trúng đạn của kẻ thù, tuy vậy chúng lại thất bại trong việc mô phỏng cảm giác cầm súng hay cảm giác về lực nảy của súng khi bắn. Chính vì những lẽ ấy, một công ty mới xuất hiện có tên Tactical Haptics đang nhắm đến mục tiêu khắc phục tình trạng này.
Nguyên mẫu sản phẩm của Tactical Haptics thật ra chính là thiết bị chơi game cảm ứng trên PC Razer Hydra đã được chỉnh sửa. Trong khi chơi game, tay cầm di chuyển sẽ điều khiển các cơ bắp tay, tạo ra lực tác dụng trên da mô phỏng cảm giác về trọng lượng và chuyển động. Ví dụ, khi thực hiện một đòn đánh bằng vũ khí trong game, nhờ thiết bị này người chơi sẽ có cảm giác như đang cầm vũ khí thật trong tay. Cho dù hiện nay vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành, Tactical Haptics cho biết họ sẽ sớm hoàn chỉnh để đưa thiết bị này ra thị trường.
4. Mùi hương kỹ thuật số (Digital Scent)
Mùi hương kỹ thuật số (Digital Scent)
Về mặt lý thuyết, việc xuất hiện mùi hương là loại công cụ bổ sung mạnh mẽ để tăng cường cảm giác thực tế khi đang chơi game. Còn trên thực tế, mùi hương ảo như vậy là loại công nghệ rất khó giải quyết. Có rất nhiều vấn đề, từ việc đưa mùi hương vào thực tế (làm thế nào để không quá mạnh hoặc quá yếu) cho đến việc lưu lại mùi hương ấy (làm sao để mùi hương không bị mất khi game chuyển cảnh). Tuy nhiên, lợi ích lâu dài của loại công nghệ này có thể áp đảo được những khó khăn mà hiện nay các nhà khoa học đang mắc phải.
Hãy thử tưởng tượng một không khí toàn mùi thuốc súng và bụi bặm được tái hiện thành thực tế khi đang tham gia vào các trận đấu súng, hoặc không khí trong lành đậm mùi muối mặn của đại dương khi đang chơi Assassin’s Creed IV. Có rất nhiều trải nghiệm tương tự như vậy được đem lại bởi các thiết bị như ScentScape của Scent Science, được kết nối với máy vi tính và có thể tỏa ra nhiều mùi hương khác nhau khi chơi game. Hiện các nhà khoa học của Scent Science hy vọng ứng dụng này sẽ được cải tiến trong những phiên bản tiếp theo, giúp người chơi có thể lựa chọn mùi vị cho từng bối cảnh theo ý thích của họ và có thể chia sẻ với người chơi khác.
5. Phản hồi sinh học (Biofeedback)
Phản hồi sinh học (Biofeedback)
Hiện nay, có hai kiểu game mà tay của người chơi được tự do thoải mái, một là sử dụng hệ thống camera (giống như Kinect) và loại còn lại là điều khiển game bằng ý nghĩ. Các loại thiết bị Neuroheadset, chẳng hạn như Epoc của Emotiv có thể đọc các tín hiệu đến từ xuất phát từ não và chuyển thành các hoạt động trong game.
Ví dụ, trong game hành động Son of Nor, người chơi đeo thiết bị Epoc có thể thi triển pháp thuật và sử dụng các khả năng khác của nhân vật mà không cần phải động vào chuột hay bàn phím. Chỉ cần suy nghĩ và Epoc sẽ thực hiện mọi công việc còn lại. Lê Thị Thái Tần (đồng sáng lập, kiêm giám đốc điều hành của Emotiv Systems) cho biết, chuyện máy đọc được suy nghĩ không phải mới, nhưng Epoc là thiết bị dành cho chơi game đầu tiên được bán ra thị trường, cấu tạo đơn giản, dễ thao tác, không cần bôi gel lên các chỗ tiếp xúc trên da đầu. Hiện công nghệ này chưa được nhiều người biết đến nhưng trong tương lai 5-10 năm nữa, biết đâu với sự phổ biến của console next gen mà Epoc cũng được dịp phát triển theo.
Kết
Vẫn còn rất nhiều công nghệ tiên tiến khác đang trong thời kỳ thai nghén, và ít nhất trong vài năm tới chúng ta vẫn chưa thể thấy chúng phổ biến rộng rãi được. Quả thật được trải nghiệm những tình huống trong game ở ngay ngoài đời thực theo cách mà trước đây chưa ai từng thử là điều vô cùng thú vị. Rồi biết đâu sẽ có ngày hình ảnh game thủ vừa đeo kính Oculus Rift vừa đeo Epoc không còn là điều xa lạ nữa. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian tước khi con người có thể trả lời câu hỏi: Liệu chúng ta có thể thoát ra khỏi phạm vi của bộ tay cầm hoặc con chuột, bàn phím hay không.
Nguyễn Hà

0 nhận xét: