Trước đó, đêm 3/2, IS công bố một đoạn video dài 22 phút, được dàn dựng kỹ lưỡng, chiếu cảnh viên phi công người Jordan - Mazz al Kassasbeh bị lực lượng này thiêu sống khi đang nhốt trong lồng. Có thể nói, đây là vụ hành quyết tàn bạo nhất của IS. Phi công Mazz al Kassasbeh, 26 tuổi, bị IS bắt làm con tin từ tháng 12/2014, sau khi máy bay của anh bị bắn hạ ở Syria.
Trước đó, phiến quân IS đặt điều kiện đổi Kassasbeh lấy nữ tử tù người Iraq Sajida al-Rishawi và Chính phủ Jordan đã khẳng định, sẵn sàng chấp nhận yêu cầu trao đổi nếu chứng minh được Kassasbeh còn sống. Người phát ngôn quân đội Jordan, Đại tá Mamdouh al Ameri cho biết: Thời điểm diễn ra vụ hành quyết có thể là ngày 3/1/2015; đồng thời tuyên bố sự hy sinh của Kassasbeh không vô ích và sẽ trả thù mạnh tay cho anh.
"Đây là sự khủng bố hèn nhát bởi một nhóm tội phạm không có liên hệ gì đến đạo Hồi. Phi công này đã hiến đời mình để bảo vệ đức tin, quốc gia, dân tộc và đã gia nhập vào những người tuẫn đạo Jordan khác”.
Quốc vương Jordan Abdullah
|
4h sáng qua, để đáp trả IS, Jordan đã thi hành án tử đối với nữ tù nhân Sajida al-Rishawi nói trên và tù nhân Ziad al-Karboli - thành viên cấp cao của Al-Qaeda. Rishawi là nghi can đánh bom bị kết án tử hình do tham gia cuộc tấn công đẫm máu tại Amman năm 2005 làm 60 người thiệt mạng, trong khi Karboli bị tuyên án tử hình năm 2008 vì tội sát hại một người Jordan.
Bộ trưởng Thông tin Mohammed Momani tuyên bố: “Đây mới chỉ là bắt đầu, án tử hình sẽ được thi hành với một nhóm thánh chiến và các đối tượng đã tấn công vào các lợi ích của Jordan”. Hàng trăm người đã xuống đường trong đêm, yêu cầu trả thù những kẻ gây ra cái chết của phi công Kassasbeh.
Mưu đồ chia rẽ
Video hành quyết được đưa ra thời điểm Quốc vương Jordan Abdullah thăm Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry đang ở Jordan để ký một một thỏa thuận viện trợ cho nước này đồng thời kêu gọi IS trả tự do cho viên phi công. Ngoại trưởng Kerry nói rằng, Mỹ sẽ cung cấp 1 tỷ USD mỗi năm cho Jordan cho đến hết năm 2017.
Chuyên gia Jonathan Marcus của BBC nhận định: Chiến tranh thông tin có vai trò quan trọng đối với IS khi muốn tạo khó khăn cho chính quyền Jordan và làm suy yếu liên minh Arab với phương Tây, vào thời điểm liên quân đang gặp khó khăn trong việc tấn công IS trên bộ. Chiến dịch oanh tạc của họ chỉ có thể ngăn bước tiến của IS, nhưng vẫn cần có một lực lượng đủ mạnh trên bộ để đẩy lùi lực lượng này”. Chuyên gia phân tích khủng bố Mỹ - Paul Cruickshank cho biết thêm, hiện IS đang giữ ít nhất hai con tin phương Tây (một nhà báo người Anh và một phụ nữ Mỹ).
Các nhà phân tích cũng chỉ ra âm mưu chia rẽ Nhật Bản và Jordan của IS trong vụ hành quyết nhà báo người Nhật - Kenji Goto hồi cuối tuần trước và mưu đồ lớn hơn là chia rẽ liên minh quốc tế chống IS hiện nay. Theo chuyên gia Marwan Shehadeh của Viện Nghiên cứu Tầm nhìn ở Amman: Ban đầu IS yêu cầu tiền chuộc 200 triệu USD cho các con tin Nhật Bản, nhưng sau đó lại chuyển mục tiêu đàm phán sang Chính phủ Jordan, nhằm gây ra tranh cãi giữa Nhật Bản và Jordan vì ưu tiên hàng đầu của hai nước là giải cứu công dân của mình. Từ đó, dẫn đến xung đột giữa hai nước trong liên minh chống IS.
Tuy nhiên, trải qua cuộc khủng hoảng con tin tồi tệ, Nhật Bản và Jordan đều khẳng định hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thề không bỏ qua cho những kẻ khủng bố và sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý; Đồng thời triển khai một lực lượng chống khủng bố để tăng cường an ninh trong nước và bảo vệ công dân ở nước ngoài.
0 nhận xét:
Post a Comment